Thứ Ba, 22 tháng 8, 2023

Cách tính lương thưởng theo kết quả đánh giá KPI

  Có thể tính lương, thưởng theo kết quả đánh giá KPI hay không? Câu trả lời là có. Dưới đây cách sử dụng kết quả đánh giá KPI để tính lương, thưởng. 

1. Cách tính lương theo KPI

Với quan điểm hệ thống lương thường phản ánh hiệu quả công việc của người lao động, nhiều doanh nghiệp áp dụng phương pháp lương 3P đơn giản. 

Hệ thống lương 3P là cách thức trả lương dựa trên 3 yếu tố: Position - Vị trí công việc, Person - Năng lực cá nhân và Performance - Kết quả công việc nhằm tính toán và chi trả tiền lương cho người lao động. 

Phương pháp trả lương 3P mang đến những lợi ích tuyệt vời cho doanh nghiệp và mỗi cá nhân: 

- Trả lương tương xứng với tầm ảnh hưởng của vị trí đối với doanh nghiệp, tạo tính cạnh tranh so với thị trường của cùng một tập hợp các chức năng. 

- Thu hút, tạo động lực và giữ chân nhân viên giỏi thông qua việc tạo sự công bàng khi trả lương phù hợp với năng lực. 

- Khuyến khích, nâng cao hiệu quả công việc của nhân viên và đòn bẩy phát triển cho doanh nghiệp. 

Ngoài tiền lương cứng, nhân viên còn được hưởng thêm lương hiệu quả theo năng suất làm việc đạt được theo tháng, quý hoặc năm. 

2. Cách tính thưởng theo KPI

Nhiều doanh nghiệp coi KPI là công cụ để tính ra một phần tiền lương, phản ánh tính chất công việc. Bởi doanh nghiệp không muốn thay đổi quá nhiều quy chế lương cũ nhưng vẫn muốn áp dụng KPI. 

Ưu điêm của cách tính lương này là không phải làm lại hệ thống lương nhưng vẫn đảm bảo phản ánh được hiệu quả người lao động vào hệ thống đãi ngộ. Mặc dù vậy, vì thưởng chỉ xét cuối kỳ nên sẽ có những hạn chế trong việc tạo động lực của nhân viên. 

Trên đây là cách tính lương thưởng theo KPI đơn giản và hiệu quả. Tham khảo ngay nhé!

Quy chế lương theo KPI như thế nào?

  Trong bài viết này, cùng tìm hiểu quy chế/cách tính lương theo KPI trong doang nghiệp nhé!

1. Cách tính lương theo KPI là gì? 

Cách tính lương theo KPI hiểu đơn giản là doanh nghiệp dựa vào các kết quả đánh giá mục tiêu hoàn thành công việc mà đã đặt ra trước đó để tính toán và đưa ra các mức lương thưởng cho nhân viên của mình. Hình thức trả lương này đang được sử dụng ở nhiều doanh nghiệp hiện nay.

2. Quy chế/cách tính lương theo KPI trong doanh nghiệp

Quy chế/cách tính lương theo KPI không bị bó buộc bởi một quy tắc nào. Tùy thuộc vào từng cơ chế quản lý mà mỗi doanh nghiệp sẽ có cách tính lương thưởng khác nhau.

Hiện tại có 2 cách tính lương theo KPI phổ biến: 

- Tính lương trực tiếp theo KPI: Cách tính này thường được dùng trong các trường hợp thuê ngoài, công tác viên, … của doanh nghiệp. 

- Tính thưởng phạt dựa theo KPI: Cách tính này là động cơ để thúc đẩy nhân viên làm việc hiệu quả hơn. Nghĩa là công sức và số tiền thực nhận của người lao động sẽ tỷ lệ thuận với nhau.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể tính lương theo KPI dựa trên 3 yếu tố: 

  • P1 (Pay for Position): Trả lương dựa trên vị trí công việc
  • P2 (Pay for Person): Trả lương theo năng lực cá nhân
  • P3 (Pay for Performance): Trả lương theo kết quả công việc

Vậy bạn đã biết cách tính lương theo KPI chưa? Hãy chia sẻ với chúng mình ở phần bình luận nhé!

Vai trò của KPI trong doanh nghiệp hiện nay

  Một tổ chức, doanh nghiệp hay công ty thường sẽ đưa ra những mục tiêu giúp nhân viên dựa vào đó để hoàn thành tốt công việc của mình. Và người ta gọi những mục tiêu đó là KPI. Cùng tìm hiểu sâu hơn KPI là gì và vai trò của nó là gì nhé!

1. KPI là gì? 

Khi nói về KPI, trong giới Quản trị nhân sự đang tồn tại 3 kiểu định nghĩa. Dù trong tiếng Anh, KPI chỉ là Key Performance Indicators (tạm dịch "chỉ số hiệu suất").

- Định nghĩa 1: “KPI là một công cụ đo hiệu suất hiệu quả công việc theo thời gian cho một mục tiêu cụ thể”

KPI cung cấp các mục tiêu để các nhóm tìm hiểu, mốc quan trọng để đánh giá tiến độ và thông tin chi tiết giúp mỗi cá nhân đưa ra được kế hoạch, định hướng tốt hơn. Việc này giúp nhân viên hoàn thành tốt công việc và nhiệm vụ được giao. 

Ví dụ: sếp hỏi nhân viên "KPI của em như thế nào?" tức là hiệu quả công việc như thế nào, những công việc nào hiệu quả, ... 

- Định nghĩa 2: “KPI là công cụ đo hiệu suất hiệu quả công việc quan trọng”

Đây là định nghĩa hay được dùng bởi những ai tiếp xúc nhiều với KPI như các HR chuyên đánh giá, HRM hoặc người đã tìm hiểu, qua các lớp đào tạo về KPI cơ bản.

Cụ thể, mỗi vị trí đều có những chỉ số đo lường hiệu quả công việc quan trọng. Các chỉ số đó được gọi là KPI. Mỗi công việc có một “màu sắc” nên khi nhìn vào KPI chúng ta có thể hiểu một cá nhân đang thực hiện công việc gì.

- Định nghĩa 3: "KPI là công cụ đo hiệu suất hiệu quả cốt yếu"

KPI trong định nghĩa này là chỉ số cốt yếu, ảnh hường đến toàn bộ tổ chức và được theo dõi thường xuyên bởi lãnh đạo. 

Chẳng hạn, một vị CEO chia sẻ anh quan tâm đến 2 vấn đề - tỷ lệ khách hàng gọi được xe và tỷ lệ tài xế có khách hàng gọi. Vị CEO luôn theo dõi 2 chỉ số này và tìm cách để giúp chỉ số này cao hơn. Vậy nên, chúng ta có thể hiểu 2 chỉ số này là chỉ số hiệu suất cốt lõi của tổ chức.

2. Vai trò của KPI trong doanh nghiệp

Vậy vai trò của KPI trong doanh nghiệp là gì? 

- KPI giúp đo lường mục tiêu hiệu quả

- Tiếp nhận thông tin quan trọng

- Môi trường tốt để học hỏi

- Tạo động lực làm việc

- Nâng cao tinh thần trách nhiệm

Trên đây là các định nghĩa của KPI cũng như vai trò của công cụ này trong doanh nghiệp. Hy vọng bạn sẽ hiểu thêm về KPI qua bài viết hôm nay!

Chỉ số KPI với sự phát triển của doanh nghiệp hiện nay

 Có nhiều lý do cho thấy vai trò quan trọng của chỉ số KPI trong việc hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp hiện nay. Cùng tìm hiểu trong bài viết hôm nay nhé! 

1. KPI giúp hoạch định chiến lược cho doanh nghiệp

KPI giúp định hướng sản phẩm, dịch vụ chính xác hơn và đánh đúng nhu cầu và tâm lý tiêu dùng để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, khuyến khích nhân viên phát huy tốt nhất hiệu quả công việc, tạo sự liên kết bền chặt với các phòng ban.

2. KPI giúp đo lường mục tiêu của bạn

Chỉ số KPI là một phương pháp đo lường các mục tiêu và chỉ tiêu. Ví dụ, nếu công ty đặt mục tiêu là thu được một số tiền nhất định từ việc bán những sản phẩm/dịch vụ mỗi tháng, KPI sẽ chỉ ra cách nhanh nhất hay chậm nhất để đạt được mục tiêu đó.

3. KPI giúp tiếp nhận các thông tin quan trọng nhanh chóng, kịp thời

Mặt khác, chỉ số KPI đưa ra “bức tranh” tổng thể về hiệu suất của doanh nghiệp. Nếu bạn đang ở trong một thị trường cạnh tranh cao, thông tin đó có thể đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực “đánh bại” đối thủ cạnh tranh của bạn.

4. KPI tạo động lực phát triển của mỗi cá nhân

Không phải dự án hay chiến dịch nào cũng đạt được kết quả như bạn mong muốn. Nhưng bằng cách giám sát hiệu quả theo KPI, doanh nghiệp sẽ tạo ra môi trường không ngừng học tập và tiến bộ cho mỗi thành viên. 

5. KPI là cách để quản lý hiệu quả công việc

Ngoài ra, KPI giúp minh bạch và đơn giản hóa việc quản lý hiệu suất. Bằng cách cho phép mỗi người nhìn thấy không chỉ những gì họ làm mà cả những gì đồng nghiệp/mọi người xung quanh đang làm. Qua đó, tất cả mọi người đều đảm bảo làm việc theo đúng định hướng và mục tiêu đã định. 

6. KPI cảnh báo nguy cơ không đạt mục tiêu chiến lược

KPI là cơ sở để phân tích doanh nghiệp một cách chuẩn xác dựa trên báo cáo, thống kê bằng con số. Từ đó, việc kiểm soát mục tiêu, chiến lược kinh doanh trở nên dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả hơn.


Thiết lập thang bảng lương đối với doanh nghiệp nhỏ

   "Xây dựng thang bảng lương như thế nào đối với doanh nghiệp nhỏ là hợp lý?" Cùng tìm câu trả lời trong bài viết này nhé!

1. Nguyên tắc xây dựng thang bảng lương

Căn cứ theo Điều 93 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14, quy định: 

“Điều 93. Xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động

- Người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.

- Mức lao động phải là mức trung bình bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời giờ làm việc bình thường và phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức.

- Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động.

- Thang lương, bảng lương và mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện.”

Vậy nên, khi tiến hành xây dựng thang bảng lương, doanh nghiệp cần: 

  • Tự xây dựng thang bảng lương.
  • Công bố công khai tại công ty trước khi thực hiện.
  • Nếu doanh nghiệp có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở thì tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
  • Không cần nộp cho Phòng LĐTBXH mà chỉ cần xây dựng và lưu lại tại doanh nghiệp để khi cơ quan Nhà nước yêu cầu thì giải trình.

2. Tổng hơp 4 bước xây dựng thang bảng lương 


Bước 1: Xác định sơ đồ tổ chức

Bước 2: Xác định chi tiết các vị trí của từng bộ phận trong tổ chức

Bước 3: Xác định định mức chi phí cho các bộ phận là bao nhiêu %/tổng doanh thu dự kiến

Bước 4: Xây dựng thang bảng lương và chính sách chi trả, tăng, giảm lương thưởng

- Cung cấp số liệu

- Đề xuất phương án trả lương theo hình thức 3P 

- Sử dụng Excel vẽ ra ma trận

Trên đây là cách xây dựng thang bảng lương đơn giản mà hiệu quả. Nếu bạn gặp "khó" trong quá trình thực hiện thì đừng bỏ qua bài viết này nhé!

Tham khảo lộ trình tăng lương của cán bộ, viên chức, công chức

   Bài viết này là lộ trình tăng lương cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian tới. Cùng tìm hiểu nhé!

Dựa trên Nghị quyết 27 năm 2018 (Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp), mục tiêu đề ra về lộ trình cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức như sau:

- Từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị.

- Năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.

- Định kỳ thực hiện nâng mức tiền lương phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước.

- Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.

- Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.

Dưới tác động của nhiều yếu tố bất lợi, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên Hội nghị Trung ương 13 khóa XII và Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã chỉ đạo lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới vào thời điểm phù hợp. 

Thế nên, trong năm 2021, 2022, dự toán ngân sách nhà nước chưa bố trí kinh phí để tăng lương và phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm cả cán bộ, công chức cấp xã) và lực lượng vũ trang. 

Theo: Báo Lao Động (laodong.vn) 


Phong cách quản trị thường gặp trong doanh nghiệp

 Phong cách quản trị được coi là "từ khóa" tạo nên nhà lãnh đạo và mỗi người đều có phong cách riêng biệt. Vậy phong cách quản trị là gì và có những phương pháp nào để quản lý nhân sự? 

1. Phong cách quản trị là gì? 

Phong cách quản trị (Administrative Styles) là "tổng thể các phương thức ứng xử (cử chỉ, lời nói, thái độ, hành động) ổn định của chủ thể quản trị với một cá nhân hoặc nhóm người (khách hàng, đối tượng quản trị, …) trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ quản trị của mình".

Nói đến phong cách quản trị, người ta thường nhắc tới phong cách của đội ngũ các nhà quản trị doanh nghiệp như nhà quản trị cấp cao (lãnh đạo), cấp trung gian và cấp cơ sở mà người đứng đầu trong hoạt động điều hành là Giám đốc (Tổng giám đốc) doanh nghiệp.

2. Phong cách quản trị thường gặp trong doanh nghiệp 

2.1 Phong cách chuyên quyền (Phong cách lãnh đạo độc đoán) 

Phong cách chuyên quyền là cách nhà quản trị tự đưa ra các quyết định mà không quan tâm ý kiến của nhân viên của cấp dưới hay bất kỳ ai. Do đó, nhân viên sẽ không được cân nhắc hay nêu ý kiến của bản thân trước khi thực hiện nhiệm vụ và cấp trên giao phó.

Ưu điểm: Doanh nghiệp năng suất hơn nhờ việc phân chia nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể.

Nhược điểm: Thiếu linh hoạt, không nhận sự đóng góp ý kiến từ nhân viên nên khó được lòng cấp dưới.

2.2 Phong cách dân chủ

Theo nghiên cứu của Lewin, phong cách quản trị dân chủ được đánh giá là phương pháp lãnh đạo đạt hiệu quả tốt nhất. Các nhà lãnh đạo sử dụng phong cách này khuyến khích nhân viên trong nhóm đưa ra ý kiến nhưng vẫn có chính kiến để đưa ra quyết định cuối cùng.

Ưu điểm: Nhân viên cảm thấy được tôn trọng. Cần ít sự giám sát của người quản lý hơn bởi vì người lao động hài lòng với quyết định cuối cùng được đưa ra.

Nhược điểm: Mất thời gian để tổ chức các buổi thảo luận nhóm lớn, thu thập ý kiến và phản hồi, thảo luận về các kết quả có thể xảy ra và truyền đạt các quyết định.

2.3 Phong cách ủy quyền

Đây là phong cách lãnh đạo tập trung vào việc giao nhiệm vụ cho các thành viên và không cần nhà quản trị phải giám sát nhiều bởi vì thành tích của người lao động chỉ tính đến kết quả làm việc cuối cùng.

Ưu điểm: Tinh thần trách nhiệm, sự thoải mái trong việc sáng tạo nội dung mới và môi trường làm việc không bị giám sát sẽ giúp tỷ lệ giữ chân nhân viên cao hơn.

Nhược điểm: Chưa hiệu quả với nhân viên mới, thiếu kinh nghiệm, chưa hiểu rõ văn hóa và tác phong làm việc của doanh nghiệp. Trong một số trường hợp, nhân viên không cảm thấy được hỗ trợ đúng mức.

Lời kết: Đây là 3 phong cách lãnh đạo phổ biến nhất hiện nay. Ngoài ra, còn có một số phong cách quản trị khác như phong huấn luyện viên, phong cách chuyển đổi, phong cách giao dịch, phong cách quan liêu, ... 

Sách hay về dùng người dành cho nhà quản trị

 Quản lý một phần mềm hay quản lý một dây chuyền sẽ không quá khó nếu bạn có quy trình và kiến thức về chúng. Nhưng quản lý con người lại không đơn giản như vậy. Vậy hãy cùng tìm hiểu về cách mà những nhà lãnh đạo, những công ty hàng đầu thế giới đã và đang thực hiện qua những cuốn sách về dùng người nhé! 

1. Từ Tốt Đến Vĩ Đại (Good to Great) - Tác giả: Jim Collins

“Từ tốt đến vĩ đại” là một trong những cuốn sách về dùng người hay dành cho các nhà quản trị. Tác phẩm này nằm trong Top 5 tựa sách chuyên sâu về nhân sự do Forbes.com bình chọn và được xuất bản năm 2001. 

Tác giả của cuốn sách - Jim Collins đã nghiên cứu những công ty có bước nhảy vọt và bền vững để rút ra những kết luận, những yếu tố cần có để đưa công ty từ tốt đến vĩ đại. Đó là những yếu tố về khả năng lãnh đạo, con người, kỷ luật, văn hóa, …

2. 7 Thói Quen Hiệu Quả (7 Habits Of Highly Effective People) - Tác giả: Stephen R. Covey

Tác phẩm "7 Thói quen Hiệu quả" (7 Habits for Highly Effective People) đã ra mắt hơn 25 năm và được biết đến là cuốn sách quản trị (quản trị bản thân và quản trị tổ chức) bán chạy nhất mọi thời đại với hơn 30 triệu bản bán ra trên toàn thế giới và được dịch sang 40 ngôn ngữ.

Sách về dùng người có mặt tại Việt Nam hơn 10 năm dưới cái tên “7 Thói quen để thành đạt”. Phiên bản mới năm 2016 được đặt lại đúng với cái tên của bản gốc Tiếng Anh và có nội dung sát nghĩa, dễ đọc hơn với các độc giả, cũng như, được cập nhật thêm những công cụ và ví dụ thực tiễn từ phiên bản nước ngoài mới nhất.

3. Vị Giám Đốc Một Phút (The New One Minute Manager) - Tác giả: Ken Blanchard, Spencer Johnson

Tác giả cuốn sách “Vị Giám Đốc Một Phút” cho rằng muốn điều hành và quản lý công việc tốt, người lãnh đạo phải giúp nhân viên lập ra mục tiêu một phút. Đồng thời, phải luôn dành ra một phút khen ngợi những thành quả tốt của nhân viên để khích lệ tinh thần làm việc. Và một phút khiển trách đối với việc làm không đúng của nhân viên để giúp họ hiểu rõ trách nhiệm của mình và hoàn thiện bản thân.

4. Tứ Thư Lãnh Đạo: Thuật Quản Trị - Tác giả: Hòa Nhân

Nội dung của "Thuật quản trị" sẽ giúp bạn cách nhìn người. Vậy làm thế nào để có thể nhận biết người tốt người xấu? Điều kiện tiên quyết là bạn phải công bằng, chính trực, vô tư, không thiên vị, … Vậy nên, để thực hiện mục tiêu chung đòi hỏi nhà lãnh đạo phải nhận biết và khai thác được năng lực tiềm ẩn của nhân viên, phát huy thế mạnh của mỗi người, biết tuyển dụng và giữ chân người tài, …

Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo một số tác phẩm như: "Quản Trị Nhân Sự Đúng" (Barbara Mitchell), "Kỹ Năng Quản Lý Nhân Sự Chuyên Nghiệp" (Whitney Johnson), ... 

Tham khảo những cuốn sách hay dành cho nhân sự

 Làm nhân sự thì nên đọc sách gì để trở nên chuyên nghiệp? Bạn đang tìm kiếm một cuốn sách hay về nghề nhân sự, vậy thì hãy tham khảo toplist dưới đây nhé! 

1. Quản trị nguồn nhân lực - Tác giả: PGS.TS. Trần Kim Dung

“Quản trị nguồn nhân lực” là cuốn sách cơ bản cho những người làm nhân sự của PGS.TS. Trần Kim Dung với 12 chương cô đọng, dễ hiểu và hấp dẫn. Theo tác giả Trần Kim Dung, trọng tâm của quản trị nhân sự là người lao động - nhân tố ảnh hưởng đến sự sống còn của tổ chức, doanh nghiệp, …

Bên cạnh đó, sách nhân sự phù hợp với các giám đốc, nhà lãnh đạo chịu trách nhiệm tối ưu hóa hoạt động; nhân viên thực thi công việc; các chuyên gia nhân sự tư vấn, hỗ trợ các giám đốc; … Cuốn sách sẽ giúp các nhà quản trị nhân sự điều chỉnh và quản lý công việc một cách liên tục để đạt được kết quả như mong đợi.

2. Nguồn Nhân Lực Trong Thời Đại 4.0 - Tác giả: Ravin Jesuthasan & John Boudreau

“Nguồn Nhân Lực Trong Thời Đại 4.0” phân tích bức tranh nghề nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên, hai tác giả không đi sâu vào câu hỏi “Những công việc nào sẽ bị thay thế bởi sự tự động hóa” mà đi tìm một cách thức linh hoạt, chính xác và có thể áp dụng được ngay để kết hợp tối ưu giữa con người và máy móc.

Cuốn sách sẽ cho bạn những chỉ dẫn để áp dụng tự động hóa trong tối ưu hoạt động kinh doanh của tổ chức. Cấu trúc bốn bước trong sách cũng giúp nhà lãnh đạo tự tin hơn trong việc xây dựng chiến lược kỹ thuật số và có được lực lượng lao động sẵn sàng, nhanh nhạy và gắn kết trong tương lai.

3. Blog nhân sự - Tác giả: Nguyễn Hùng Cường

Sách “Blog Nhân sự” là dự án xuất bản sách của tác giả/blogger Nguyễn Hùng Cường. Đây là những quyển sách với những chủ đề khác nhau dành cho những người làm nhân sự.

Trong đó, “Blog nhân sự” quyển 1 và 2 là tập hợp những bài viết của Nguyễn Hùng Cường về trải nghiệm nghề nhân sự được chỉnh lại từ hơn nghìn bài trên blognhansu.net. Quyển 1 dành cho các bạn sinh viên mới bước vào nghề nhân sự và Quyển 2 dành cho các anh chị em mới chuyển sang vị trí Hr.

Với quyển 3, đây là phần 1 của câu chuyện về Nghề tuyển dụng trong doanh nghiệp với những vui buồn, kinh nghiệm và lý thuyết ẩn chứa dưới nhân vật “hắn”.

Quyển 4 là tập hợp hơn 50 bài viết dành cho CEO để hiểu các vấn đề về Quản trị nhân sự. Bạn sẽ được nhìn thấy một bức tranh lớn tổng thể và sau đó đi vào chi tiết của bức tranh đó. 

Trên đây là 3 cuốn sách cơ bản nhất dành cho những người làm nhân sự. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo một số quyển sách khác như Từ tốt đến vĩ đại (Jim Collins), Nghệ thuật quản lý nhân sự (Welby Altidor), ... 

Nhân sự là gì? HR chỉ làm tuyển dụng?

 Có thể nói, nhân sự là một trong những phần không thể thiếu trong doanh nghiệp. Vậy cụ thể nhân sự là gì và công việc của một người làm nhân sự là gì? 

1. Nhân sự là gì? 

Định nghĩa của nhân sự theo Investopedia, “Human Resources (HR) is the division of a business that is charged with finding, screening, recruiting, training job applicants, and administering employee-benefit programs”.

Vậy nhân sự (Human Resources - HR) là một bộ phận của doanh nghiệp, chuyên phụ trách tìm kiếm, sàng lọc, tuyển dụng ứng viên, đào tạo và quản lý các chương trình phúc lợi cho nhân viên.

Phòng Nhân sự trong tổ chức/doanh nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng, là đầu mối giúp doanh nghiệp ứng phó với những thay đổi nhanh chóng trong môi trường kinh doanh hiện đại. Đồng thời, đáp ứng sự gia tăng nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng của thế kỷ 21.

2. Nghề nhân sự là làm gì? 

Phụ thuộc vào vị trí, kinh nghiệm mà người làm nhân sự sẽ được phân công những công việc khác nhau. 

2.1 Nhóm công việc tuyển dụng

Tuyển dụng là quá trình thu hút; sàng lọc và lựa chọn ứng viên phù hợp cho vị trí công việc đang cần trong doanh nghiệp. Thành công của hoạt động tuyển dụng được đánh giá bởi số lượng vị trí trống được lấp đầy hoặc thời gian cần thiết để tuyển dụng. Có thể nói, đây là hoạt động chính giúp củng cố lực lượng và chất lượng lao động của tổ chức.

Mô tả công việc: 

+ Lên kế hoạch, triển khai công tác tuyển dụng đáp ứng nhu cầu phát triển của tổ chức/doanh nghiệp.

+ Đăng thông tin tuyển dụng trên các kênh phù hợp và cung cấp đầy đủ thông tin cho ứng viên, tiếp cận với những ứng viên tiềm năng.

+ Sàng lọc CV và xếp lịch phỏng vấn ứng viên.

2.2 Nhóm công việc hành chính

Bộ phận hành chính nhân sự sẽ quản lý những trải nghiệm tổng thể của nhân viên. Nhân viên làm việc với các nhà quản lý để giải quyết các vấn đề của họ; xem xét đánh giá hiệu suất; thực thi các chính sách – quy trình của công ty; giám sát sự phát triển của tổ chức hay điều tra nội bộ khi cần, ... 

Mô tả công việc: 

+ Quản lý hợp đồng lao động của nhân viên, hồ sơ nhân viên, định biên nhân sự, ...

+ Hướng dẫn nhân viên mới về hợp đồng lao động; làm rõ về mức lương và chính sách phúc lợi của công ty.

+ Theo dõi các chế độ nghỉ việc hay hết hạn hợp đồng theo quy định.

+ Lập báo cáo theo định kỳ và thực hiện các công việc khác theo chỉ định của cấp quản lý. 

+ Thực hiện chuyển phát, giao nhận văn thư, hợp đồng, ... cho công ty và các phòng ban.

2.3 Nhóm công việc về lương thưởng và phúc lợi (C&B)

Phúc lợi là những lợi ích có thể không bằng tiền mặt, để tạo động lực làm việc hay giữ chân nhân viên. Và bạn cũng biết lương thưởng là khoản tiền lương trả cho nhân viên. 

Nhân viên C&B trong phòng nhân sự sẽ xây dựng cấu trúc lương thưởng. Đồng thời, đảm bảo cung cấp những lợi ích cạnh tranh để thu hút và giữ chân nhân tài.

Mô tả công việc: 

+ Thực hiện chấm công, quản lý việc nghỉ phép, nghỉ việc, …

+ Xây dựng bảng lương thưởng theo vị trí công việc và năng lực.

+ Xây dựng chính sách phúc lợi, đãi ngộ, khen thưởng, …

+ Xử lý những tranh chấp phát sinh trong quan hệ lao động tại nơi làm việc.

2.4 Nhóm công việc đào tạo và phát triển 

Doanh nghiệp cần cung cấp cho nhân viên các công cụ cần thiết cho sự phát triển của mỗi thành viên. Trong đó, tổ chức cho nhân viên mới những khóa đào tạo định hướng giúp họ nắm vững nghiệp vụ và hiểu rõ với văn hóa doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, một số bộ phận nhân sự cũng cung cấp những buổi tập huấn kỹ năng lãnh đạo và phát triển chuyên môn. Đào tạo lãnh đạo có thể dành cho các quản lý mới được tuyển dụng; giám sát viên, …

Lời kết: Có thể nói nhân sự nắm vai trò then chốt trong doanh nghiệp, ảnh hưởng đến những bộ phận khác. Và công việc của người làm nhân sự không chỉ có tuyển dụng mà còn là làm hành chính, đào tạo, ...