Công đoàn góp phần tăng năng suất lao động
Các hoạt động của tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp giúp công nhân nâng cao năng suất lao động
Không khí hội thảo “Nâng cao năng suất lao động trong khu vực nhà máy” do CLB nhân sự Việt Nam (VNHR) vừa tổ chức trở nên sôi nổi khi nhiều đại biểu đề cập nguyên nhân tác động đến hiệu quả làm việc của công nhân (CN). Bà Võ Thị Thu Trang, Giám đốc nhân sự Công ty American Standard, nhận định: “Kỹ năng, thái độ, hành vi, kinh nghiệm, sự tuân thủ và chấp hành kỷ luật, tình yêu với công ty… của CN góp phần quan trọng trong việc duy trì và nâng cao năng suất lao động”.
Tăng - giảm do môi trường làm việc
Nhiều đại biểu cho rằng môi trường làm việc là nguyên nhân quan trọng, tác động trực tiếp đến tâm lý của CN. Bà Phan Thị Thu Hương, Giám đốc nhân sự Công ty Schaefler Việt Nam, cho biết trước đây doanh nghiệp (DN) lầm tưởng CN luôn đặt nặng vấn đề lương, thưởng. Tuy nhiên, nhiều khảo sát đã chứng minh đây là góc nhìn sai lệch. Các kết quả khảo sát lao động chỉ rõ môi trường làm việc là vấn đề CN quan tâm đầu tiên khi đặt chân vào DN. Trong đó, phong cách của nhà quản lý là hình ảnh của công ty trong việc xây dựng và duy trì văn hóa làm việc.
Theo bà Ngô Thúy Ngân, đại diện phòng nhân sự Công ty Coach Việt Nam, ngoài chế độ đãi ngộ, việc duy trì văn hóa và môi trường làm việc tích cực đóng góp nhất định vào công tác hỗ trợ CN giữ và tăng hiệu suất làm việc. Bộ phận nhân sự đóng vai trò cố vấn cho lãnh đạo và các bộ phận xây dựng, duy trì văn hóa DN. “Đối với công ty có môi trường làm việc gia đình, nhân viên gắn bó lâu năm khó có tư duy thay đổi khiến nhân viên mới khó thích ứng với công việc, phải ra đi. Trong tình huống này, người làm nhân sự phải tham mưu cho người sử dụng lao động chiến lược thay đổi để giữ người tài”. Ngoài ra, chính sách của nhà nước, chương trình đào tạo, vị trí nhà máy, mức độ hợp tác giữa các phòng, ban… cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến năng suất lao động tại nhiều công ty.
Công đoàn giúp doanh nghiệp
Đề cập phương pháp giúp CN tăng năng suất, không ít lãnh đạo DN thừa nhận tổ chức Công đoàn (CĐ) đã giúp công ty thực hiện nỗ lực trên. Bà Phan Hồng Yến, Giám đốc nhân sự Công ty Diamond Việt Nam, cho hay hoạt động CĐ tại công ty góp phần không nhỏ vào việc tăng năng suất lao động. Ở nhà máy, CĐ là tổ chức đầu tiên lắng nghe, tiếp nhận ý kiến, thắc mắc của CN. Nếu CĐ giải quyết ổn thỏa các tình huống thì hoạt động sản xuất sẽ ổn định.
Không chỉ vậy, CĐ tại DN luôn đóng góp vào chiến lược xây dựng môi trường thân thiện trong nhà máy. Đơn cử, ban chấp hành CĐ tổ chức sinh nhật cho CN, kịp thời hỗ trợ các trường hợp khó khăn đột xuất… “Khi cảm thấy mình được quan tâm, giúp đỡ, người lao động sẽ làm việc nhiệt tình, hiệu quả. Đây là món quà tinh thần không thể đo lường” - bà Yến khẳng định. Có quy mô gần 6.000 lao động, Công ty Diamond cũng thường gặp rắc rối khi người lao động nghỉ phép nhiều. Để giữ vững năng suất, công ty luôn ràng buộc kỷ luật vào quyền lợi trực tiếp của CN bằng tiền chuyên cần, thưởng định kỳ. Bộ phận có hiệu suất làm việc hiệu quả được công ty thưởng thêm 5% lương. Hằng tháng, công ty thưởng thêm cho CN có tay nghề khá, thạo việc… Ngoài ra, công ty còn có nhiều chương trình chống lãng phí, như: thưởng nóng khi CN có ý tưởng tiết kiệm trong sản xuất; thi đua giữa các bộ phận, chi nhánh.
Nhấn mạnh vai trò của tổ chức CĐ trong nỗ lực tăng năng suất lao động tại DN, ông Lê Văn Hòa, quản lý nhân sự Công ty Syngenta Việt Nam, cho rằng tuy không trực tiếp tham gia vào quá trình cải tiến quy trình sản xuất nhưng CĐ công ty có nhiều phương thức bổ trợ cho công tác này. “Ban chấp hành CĐ thường xuyên tổ chức các cuộc thi sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm. Công ty và CĐ thành lập một hội đồng thẩm định để đánh giá từng công trình của CN. Khi áp dụng sáng kiến của CN, hiệu quả sản xuất tăng cao. Ngoài ra, công ty cũng thường xuyên tập huấn, đưa ra nhiều tình huống trong sản xuất, đời sống để CN tập xử lý, mạnh dạn nói lên tâm tư, nguyện vọng” - ông Hòa cho biết.
Năng suất lao động phụ thuộc nhiều yếu tố
Ông Trần Anh Tuấn, quyền Giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, cho biết: “Nhiều DN nước ngoài nhận xét nhân lực nước ta khéo léo, thông minh, chịu khó. Điều này khẳng định năng suất lao động không chỉ phụ thuộc vào thể chất, ý thức mà còn phụ thuộc vào tay nghề, trình độ của CN và việc xây dựng môi trường làm việc”.
Bài và ảnh: Hồng Nhung
Những định hướng của nhân sự trong thời đại mới
Ngành quản trị nhân sự của thế giới đã trải qua một thời gian dài, từ những bước đi ban đầu trong quản trị hành chính nhân sự (chấm công, tính lương ...) Đến những chiến lược và chiến thuật cao cấp hơn trong quản trị nhân sự ngày nay.
Cùng với sự phát triển các lý thuyết và thực hành về quản trị, ngành quản trị nhân sự cũng phát triển một bước dài và dần đạt đến độ tinh tế. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin nêu các khuynh hướng chủ đạo trong quản trị nhân sự hiện nay.
1. Quản trị nhân tài
Khi nền kinh tế ngày càng khó khăn như hiện nay, nguồn lao động dôi dư, không lúc nào cuộc chiến nhân tài lại khốc liệt như hiện nay. Cuộc chiến nhân tài không chỉ giữa các doanh nghiệp cùng ngành với nhau mà nó còn ngay trong các ngành khác nhau, đặc biệt là những nhóm công việc chuyên môn dễ dàng nhảy việc (giám đốc nhân sự, giám đốc tài chính, giám đốc kinh doanh...)
Khái niệm quản trị nhân tài (talent management) trước đây khá xa lạ, nhưng hiện nay, nó đã được xem là một trong những hoạch định chiến lược của công tác quản trị nhân sự tại các công ty. Sự phát triển của quản trị nhân tài thể hiện ở các yếu tố sau:
Các giám đốc nhân sự đã đưa quản trị nhân tài là một chức năng của công tác quản trị nguồn nhân lực.
Các công ty phần mềm về nhân sự và ERP đã đưa chuyên mục quản trị nhân tài vào hệ thống phần mềm của mình
Việc thực thi quản trị nhân tài đã thực hiện rộng khắp trong các hoạt động của các phòng ban chức năng. Không chỉ thu gọn trong hoạt động của phòng nhân sự .
Như vậy, quản trị nhân tài tại Việt Nam đang là khuynh hướng tất yếu cho sự phát triển. Với nền kinh tế biến động, việc quản lý tốt nguồn nhân tài trong công ty là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển, mang lại lợi thế cạnh tranh cho các công ty.
Outsourcing HR (Thuê ngoài hoạt động nhân sự)
Hoạt động này phát triển trong 5 năm trở lại đây và hiện nay đang là xu thế cho các công ty có chức năng quản trị nhân sự. Nếu như trước đây, các công ty sẽ làm từ A đến Z công tác quản trị nhân sự, nhưng hiện tại, họ có thể oursource gần như tất cả các chức năng. Những chức năng thường được sử dụng dịch vụ thuê ngoài bao gồm:
Tuyển dụng : Thường được thuê ngoài nhất
đào tạo : Việc thuê ngoài đào tạo không chỉ là thuê giáo viên để tổ chức chương trình đào tạo mà thuê ngoài toàn bộ chức năng đào tạo. Nó bao gồm cả phân tích nhu cầu, xây dựng kế hoạch đào tạo và phát triển, kể cả thực thi kế hoạch.
Việc thuê ngoài công tác nhân sự giúp các doanh nghiệp có thể tận dụng nguồn lực từ bên ngoài, cắt giảm chi phí dài hạn cho những chức năng chiếm nhiều nguồn lực hoặc lấp đầy những chức năng mà nội bộ công ty chưa thể đáp ứng.
Kết nối xã hội online hoặc offline
Cùng với sự bùng nổ của internet, các trang mạng, blog, mạng xã hội, các nhân sự tại các công ty đang có những kết nối rất mạnh mẽ và thường xuyên với nhau. Với chức năng tìm kiếm , đáp ứng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của phòng nhân sự, họ không thể đứng ngoài xu hướng đó.
Hiện việc kết nối mạng xã hội trực tuyến hoặc offline đang là một trong những chức năng cơ bản của hoạt động quản trị nhân sự trong thời đại internet hiện nay. Một số công ty thậm chí còn xây dựng một cổng thông tin dành riêng cho người lao động, từ đó theo dõi và kết nối với các mối quan hệ ngoài công ty để xây dựng nguồn nhân lực dự phòng dồi dào cho chính công ty mình. Theo tôi, xu hướng này sẽ là xu hướng phát triển mạnh mẽ nhất trong thời gian tới.
Cùng với phân tích về thiếu hụt nhân tài của năm 2012, các khuynh hướng quản trị nhân sự mới như nêu trên hy vọng sẽ cung cấp thêm cho các bạn những quan điểm mới về quản trị nhân sự trong giai đoạn bùng nổ Internet và các mạng xã hội cũng như nguồn lực doanh nghiệp ngày càng hạn chế như hiện nay.
Dũng Nguyễn - Quantri.Vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét