Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

Nam Á Bank ngược dòng xu hướng tuyển dụng - HRM

Nam Á Bank ngược dòng xu hướng tuyển dụng

(Thanh tra) - Tại thời điểm khi hầu hết các ngân hàng đang ồ ạt “cắt giảm nhân sự” thì Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) lại tuyển dụng một lượng lớn nhân sự tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đây được xem là sự ngược dòng của xu hướng cũng như các chính sách nhân sự chung của ngành.

Giải thích cho việc Nam A Bank đang có những bước dịch chuyển vòng xoáy nhân sự một cách ngoạn mục khi mà mặt bằng chung các ngân hàng đang cắt giảm nhân sự hàng loạt, là vì, vừa qua Nam A Bank được Ngân hàng Nhà nước tin tưởng và phê duyệt cho phép mở mới 8 điểm giao dịch trong đó có 5 Chi nhánh và 3 Phòng giao dịch tại 5 tỉnh, thành thuộc khu vực Nam - Trung Bộ như TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đồng Nai, Vũng Tàu, Bến Tre, Ninh Thuận…

Đây là lý do Nam A Bank hiện đang cần tuyển hơn 200 nhân sự bao gồm các vị trí từ quản lý cấp cao đến các chức danh chuyên viên, nhân viên...

Nam A Bank là một trong số ít ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cho phép mở mới chi nhánh trong thời điểm chỉ các ngân hàng có khả năng quản trị ổn định, hoạt động có hiệu quả, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và có nhu cầu thì mới được mở Chi nhánh, Phòng giao dịch tại các địa bàn thực sự có nhu cầu về dịch vụ ngân hàng.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2014, CEO của Ngân hàng này được trúng cử thành viên Hội đồng quản trị. Điều đó chứng tỏ, sức mạnh điều hành được gia tăng và các hoạt động quản trị được xuyên suốt từ Hội đồng quản trị đến từng cán bộ nhân viên.

Theo ông Trần Ngô Phúc Vũ, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Nam A Bank chia sẻ: “Việc Nam A Bank được Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn mở 8 điểm giao dịch mới trong 6 tháng cuối năm là một minh chứng cho thấy chiến lược của Hội đồng quản trị trong đề án tái cơ cấu đang đi đúng lộ trình. Trên cơ sở đó, Nam A Bank tiếp tục củng cố về mọi mặt, trong đó, tập trung chủ yếu nâng cao cơ sở hạ tầng, cải tiến chất lượng dịch vụ và đào tạo nguồn lực nhân sự hiện hữu.

Trong thời gian tới Nam A Bank sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực có kinh nghiệm và kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu nhằm hướng tới ngân hàng bán lẻ có dịch vụ hàng đầu Việt Nam”.

Ngọc Hoàng  

Sinh viên đừng than “đào đâu” ra kinh nghiệm

Nhiều bạn đề cập đến một "nghịch lý" đó là công ty nào khi tuyển dụng cũng đòi hỏi ứng viên phải có kinh nghiệm, mà sinh viên mới ra trường đào đâu ra kinh nghiệm. Hãy nghĩ lại.



Tôi xin chia sẻ góc nhìn của mình vì từng là sinh viên mới ra trường, từng làm công việc tuyển dụng, về vấn đề này như sau.

Các bạn sinh viên ức chế vì công ty nào tuyển cũng đòi kinh nghiệm cũng có lý, nhưng hãy thử đặt mình ở vị trí nhà tuyển dụng. Ví dụ như chuyên ngành của tôi là xuất bản/dịch thuật/biên tập. Công ty tôi thường phải tuyển nhân sự toàn thời gian và bán thời gian. Tôi chịu trách nhiệm biên tập lại trên bản dịch của các bạn, tôi chịu trách nhiệm với sếp về bản dịch của các bạn. Như thế, để việc chạy tốt, tôi buộc phải làm việc với người càng cứng tay càng tốt.

Trong quá trình hơn 10 năm làm việc của mình, cũng có những lúc tôi quyết định làm việc với một số bạn sinh viên - đó là những bạn chưa có kinh nghiệm nhưng theo nhận định chủ quan của tôi là "có tố chất", thế nên tôi dành thời gian riêng của tôi (công ty không trả lương cho việc này) để hướng dẫn các bạn. Sau khi các bạn "có kinh nghiệm" thì hoặc là tôi tuyển các bạn, hoặc là các bạn nộp hồ sơ vào một công ty khác với tư thế là người đã có kinh nghiệm cộng tác với công ty tôi. Và thật sự thì việc hướng dẫn cho sinh viên mới ra trường rất cực - tất nhiên cực hơn nhiều so với làm việc với người có kinh nghiệm. Không cực làm sao được khi sinh viên nhiều bạn đến ngày ra trường vẫn không biết cách viết một cái mail cho chuẩn mực, không biết cách format Word, không biết tra google, không biết tự đi tìm câu trả lời cho vấn đề của mình..., Đó là tôi chưa nói đến chuyên môn.

Các bạn hỏi mới ra trường, không ai nhận, mà công ty nào cũng đòi phải "có kinh nghiệm", thì kinh nghiệm đâu ra? Vậy các bạn có khi nào tự hỏi, nếu công ty nào cũng đòi "có kinh nghiệm" thì những người họ tuyển được từ đâu ra? Chẳng phải ai cũng đi từ sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm đó sao? Vậy thì tại sao người ta cũng là sinh viên mới ra trường nhưng "có kinh nghiệm" còn mình thì không? Phải biết tự đặt câu hỏi và tìm câu trả lời, đừng chỉ chăm chăm vào "nghịch lý" rằng các công ty đòi hỏi ứng viên phải "có kinh nghiệm".

Vậy thì kinh nghiệm ở đâu ra? Kinh nghiệm trong quá trình vừa học vừa làm của các bạn. Kinh nghiệm từ các công việc part-time chạy đôn chạy đáo của các bạn - dẫu cho việc part-time đó không liên quan đến chuyên ngành. Kinh nghiệm từ những việc làm không lương của các bạn từ thời sinh viên. Tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện...Cũng là một dạng tích trữ kinh nghiệm. Bởi vì mong các bạn hiểu cho, "kinh nghiệm" ở đây còn là kinh nghiệm làm việc (tức là biết cách làm việc, làm gì cũng được) và kinh nghiệm sống, chứ không chỉ là "kinh nghiệm có được khi làm việc trong chuyên ngành đó".

Khi các bạn còn đặt vấn đề, lên án "nghịch lý" đó thì nghĩa là các bạn vẫn còn ảo tưởng về cuộc sống này, còn nặng tư tưởng ngồi mát ăn bát vàng và thích được người ta dọn sẵn cho mình ăn. Tỉnh dậy đi, cuộc đời này không đơn giản như thế. Các công ty kinh doanh không phải là tổ chức từ thiện, họ trả lương cho bạn xứng đáng với những gì họ nhận lại được từ bạn. Vậy thì nếu bạn vẫn than vãn về chuyện mới ra trường không có kinh nghiệm, thế thì hãy nộp đơn xin học việc từ 3 đến 6 tháng để lấy kinh nghiệm - bạn dám không? Nếu dám, chắc chắn có công ty nhận bạn. Nếu không, thế thì tại sao bạn lại muốn các công ty nhận bạn vào và bỏ ra chừng đó thời gian cộng trả tiền lương để dạy việc cho bạn? Không công bằng đúng không?

Chốt lại, nếu bạn tiếp tục ngồi đó than thì còn không có kinh nghiệm dài dài. Hãy đi kiếm công việc gì làm, hãy nhào vào làm, không ai trả lương cũng làm, cứ cho trước đi rồi từ từ nhận lại sau, tự khắc chưa ra trường cũng sẽ tích lũy được một mớ kinh nghiệm rồi đấy các bạn.

Vi Thảo Nguyên
buzznews.Vn  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét