Nguyên nhân khiến nhân viên thụ động
Là người quản lý, đã bao giờ bạn cảm thấy khó chịu vì nhân viên quá thụ động, công việc gì cũng chờ có lệnh của sếp?
Nếu thường rơi vào tình huống này, bạn hãy tự hỏi liệu mình có phải là nguyên nhân?
Nhiều vị lãnh đạo thường nghĩ mình là người hoàn hảo, làm việc gì cũng hay, hiểu biết tất cả mọi việc và luôn làm giỏi hơn cấp dưới. Chính vì tâm lý đó và vì tính cầu toàn mà đôi khi những vị lãnh đạo này làm cả các công việc mà trước đó họ đã giao cho cấp dưới.
Thế rồi đến lúc quá mệt mỏi, họ lại than vì sao mình phải cáng đáng cả ngàn công chuyện và nhân viên sao mà quá kém. Phía nhân viên cũng chẳng vui khi "được" sếp gánh việc giúp mình.
Những việc như thế không mấy xa lạ trong các công ty nếu sự lãnh đạo, điều hành và quản lý lẫn lộn. Vậy đâu là những nguyên nhân cơ bản của sự lệch lạc này?
Nguyên nhân thứ nhất là người lãnh đạo công ty hiện nay vốn là một chuyên gia trong lĩnh vực khoa học, công nghệ hay tài chính, tiếp thị… Có nghĩa, họ là người có tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm về vấn đề tác nghiệp trực tiếp của một khâu hay nhiều khâu chuyên môn.
Vì thế, khi được đề bạt lên vị trí quản lý điều hành một phòng, ban lớn hay thậm chí là lãnh đạo cả doanh nghiệp, họ vẫn giữ thói quen là trực tiếp "thực hiện". Sự trực tiếp "thực hiện" thể hiện qua mệnh lệnh quá cụ thể, họ không cho cấp dưới tham gia vào quá trình "sửa soạn" quyết định.
Hệ lụy của sự lãnh đạo theo kiểu này là nhân viên chỉ biết phục tùng, không phải suy nghĩ hay góp sức cho các quyết định được đưa ra. Từ đó nhân viên trở thành một người thừa hành, thụ động. Bởi lẽ nếu công việc có kết quả thì công đầu là của sếp, còn nếu không thành công thì cũng là tại sếp.
Khi nhân viên không được động viên để tham gia sự nghiệp chung, tính sáng tạo - một tính năng then chốt của sự đổi mới và phát triển - của mỗi cá nhân trong công ty sẽ bị mai một. Khi nhân viên chỉ làm việc như một cái máy nhận lệnh thì sự trì trệ chắc chắn sẽ xuất hiện. Và rồi tính ỷ lại trong bộ máy thừa hành ở doanh nghiệp cũng sẽ đến, cấp dưới khi gặp việc khó hay đột xuất sẽ thụ động trông chờ sếp ra lệnh. Trong khi đó khoa học quản trị là khoa học nhân văn chứ không phải là khoa học máy móc.
Nguyên nhân thứ hai là người lãnh đạo quá cầu toàn, tỉ mỉ đến độ không tin sức mạnh của tập thể cấp dưới. Những người lãnh đạo như thế thường sợ cấp dưới làm sai, không hiểu rõ tầm quan trọng của công việc, và vì thế họ đứng ra làm thay cho cấp dưới. Tình trạng này cũng sẽ tạo ra các hệ lụy là nhân viên trì trệ, thụ động và ỷ lại như đã phân tích ở trên.
Nguyên nhân thứ ba là người lãnh đạo quá "độc tài chuyên chế" hoặc là quá tự cao. Ba hệ lụy trên rất có khả năng sẽ xảy ra kèm thêm hệ lụy thứ tư là sự đối kháng do cấp dưới quá bức xúc.
Thật ra người lãnh đạo có thể đảm nhận một số công việc chuyên môn. Tuy nhiên những công việc chuyên môn do lãnh đạo thực hiện phải được phối hợp và lồng trong khối công tác tác nghiệp của tập thể cấp dưới.
Tiến trình lãnh đạo và điều hành nên được thiết lập theo các bước như sau: lãnh đạo ấn định mục tiêu, rồi giao mục tiêu cho từng phòng/ban liên quan. Sau đó các phòng/ban nghiên cứu lập kế hoạch hành động kèm với nguồn lực cần phải có. Lãnh đạo cùng với những người liên quan thảo luận, xem xét rồi ra quyết định. Phòng/ban liên quan sẽ thực hiện với sự giám sát, hỗ trợ của lãnh đạo.
Các nhân viên dưới quyền sẽ năng động, sáng tạo, nhiệt tâm hợp tác với cấp trên khi cấp trên biết khơi dậy nguồn trí lực của tập thể cấp dưới. Muốn làm được điều này thì người lãnh đạo cần:
- Hỏi cấp dưới rằng vấn đề này phải giải quyết như thế nào? Sau đó thảo luận với cấp dưới những ý kiến đó.
- Có những phiên làm việc để giám sát, hỗ trợ cho cấp dưới.
- Chấp nhận có làm thì có sai.
Nếu lãnh đạo giám sát, hỗ trợ xuyên suốt thì dù sai sót có xảy ra cũng sẽ ở mức cho phép và có thể sửa sai được. Một khi người đứng đầu doanh nghiệp thực hiện việc lãnh đạo và điều hành như thế thì cấp dưới sẽ cảm thấy hưng phấn trong công việc vì chính họ là tác giả của các quyết định những điều họ cần làm. Về phía người lãnh đạo, khi thực hiện các bước như trên sẽ có thêm thời gian để làm nhiều việc khác có lợi cho công ty đúng với tầm của mình.
Quantri.Vn
Nhân viên Samsung lo bị đuổi việc vì doanh thu kém
Theo thông lệ của các doanh nghiệp Hàn Quốc, Samsung dự kiến sẽ công bố kế hoạch thay đổi nhân sự hàng năm vào đầu tháng 12. Đây là một "nghi thức" luôn được tuân theo cả trong những thời điểm khi công ty làm ăn kinh doanh tốt nhất, đồng nghĩa với việc nhân viên phải đối mặt với khả năng thăng tiến, chuyển giao và tình huống xấu nhất là sa thải.
Tình huống cuối cùng trong 3 điều vừa nêu trên có nhiều khả năng xảy ra hơn sau khi lợi nhuận hoạt động trong quý thứ ba của Samsung giảm gần hai phần ba. Khi bị cạnh tranh bởi các đối thủ Trung Quốc như Xiaomi ở dòng sản phấm cấp thấp và iPhone của Apple ở dòng sản phảm cao cấp, thị phần smartphone của Samsung càng bị thu hẹp trong ba quý vừa qua so với cùng kỳ năm trước khiến vấn đề kinh doanh điện thoại di động của CEO J.K.Shin có thể sẽ gặp nhiều khó khăn.
"Mọi người đều bồn chồn, lo lắng. Thậm chí các quản lý cấp cao cũng đi dò la mọi người xung quanh về những điều sắp xảy ra", một nhân viên của Samsung cho biết. Samsung từ chối bình luận về những thay đổi dự kiến. Công ty này thường giữ kín bí mật thông tin đối với những người có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp cho đến ngày công bố chính thức được ban hành. Báo Business Maeil cho biết công ty có thể cắt giảm 20% các vị trí điều hành trên diện rộng, trong đó có 30% đến từ bộ phận điện thoại di động.
Samsung Electronics là tập đoàn thương mại (chaebol) lớn nhất Hàn Quốc và đã từng thuê gần 290.000 người vào năm 2013, trong đó có 1/3 nhân viên làm việc trong nước. 1/3 số nhân viên Samsung cho biết các nhà quản lý và giám đốc điều hành đã lo lắng đến mức các nhân viên phải làm việc thêm giờ và cả vào ngày nghỉ cuối tuần để đảm bảo sự phát triển cho các sản phẩm đi đúng định hướng.
Samsung đã quyết định bán Tập đoàn bán vũ khí hóa học và quốc phòng cho một tập đoàn thương mại địa phương Hanwha Group càng làm cho nhân viên thêm lo lắng. "Chỉ sau khi việc di chuyển nhân sự được công bố chính thức thì chúng tôi mới có thể yên tâm trở lại làm việc được", một nhân viên Samsung chia sẻ.
Hồng Hạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét